Cấu tạo và trang bị kèm theo Dù_lượn

Vòm dù

Dù lượn

Cánh dù lượn (hay vòm dù, cánh dù), là một hệ thống có thể tự bơm không khí vì được thiết kế thành những xoang dù may bằng vải mỏng tạo thành. Phi công nâng dù bằng cách kéo nhóm dây liên kết với cửa của các xoang dù. Các dây này lại liên kết với các đai nhỏ rồi nối vào móc dù và nối vào đai ngồi.

Khi điều khiển, phi công dùng tay kéo phần thành thoái (phần phía sau của dù) bằng một sợi dây được gọi là dây phanh (dây thắng) làm dù chuyển hướng hay tăng giảm tốc độ.

Phi công được cài vào đai ngồi, cũng là một chiếc ghế có gắn dù dự phòng. Trên đai ghế ngồi có gắn một hệ thống cho phép tăng tốc thêm so với tốc độ trung bình của dù gọi là thanh tăng tốc. Các đai ngồi ngày nay thường có những miếng xốp hay những đệm khí để giảm chấn động cho phi công khi đáp mạnh.

Cánh dù lượn thường có diện tích khoảng 25 -35, dù đôi có diện tích gần gấp đôi so với dù đơn, sải cánh từ 8 – 12m, nặng từ 3 – 7kg. Một bộ thiết bị dù bao gồm: dù, đai ngồi, dù dự phòng, các thiết bị điện tử, nón bảo hiểm, tất cả nặng khoảng 12 – 18 kg.

Máy đo độ leo - độ cao

Máy đo độ leo - độ cao

Những con chim trời đều là những động vật cực kỳ nhạy cảm với áp suất không khí, và chúng có thể cảm nhận được việc đang bay lên hay đang bay xuống bằng những bộ cảm biến sinh học rất nhạy cảm, nhưng con người thì không. Con người có thể cảm nhận khi vừa bay vào cột khí nóng, nhưng sau đó lại không biết là hiện tại mình đang bay lên hay bay xuống và như vậy cũng không biết là còn đang bên trong cột khí nóng hay không!?. Các công nghệ tiên tiến ngày nay giúp cho các phi công không những chỉ biết được dù đang bay lên hay xuống mà còn biết dù bay lên hay xuống bao nhiêu mét mỗi giây nhờ vào thiết bị đo độ leo, với những bộ cảm biến điện tử rất nhạy cảm bên trong.

Máy đo độ leo cũng là máy tích hợp máy đo độ cao, luôn hiển thị cho phi công biết tốc độ leo của dù trong mỗi giây (- khi bay xuống, + khi bay lên). Đồng thời hiển thị độ cao, và có thể chọn hiển thị độ cao so với mặt đất hay độ cao so với mực nước biển. Công dụng chính của máy đo độ leo là giúp phi công tìm ra và duy trì đường bay luôn nằm trong cột khí nóng hay khu vực tạo lực nâng rồi điều khiển dù để đạt độ cao như mong muốn.

Máy bộ đàm, liên lạc vô tuyến - Radio

Máy bộ đàm

Máy bộ đàm là máy liên lạc vô tuyến dùng để liên lạc giữa phi công và phi công, phi công và mặt đất... Việc liên lạc này rất quan trọng trong khi huấn luyện, và hữu ích trong việc liên lạc giữa các phi công trong quá trình bay, họ có thể trao đổi về tình huống thời tiết, các sự cố, cảnh báo, và những báo cáo về lộ trình bay, điểm đáp.

Thường các radio được dùng là những radio có tần số FM, VHF hay UHF vừa thu vừa phát, thông dụng nhất là những máy bộ đàm có tần số 144 – 148 MHz. Để quá trình bay diễn ra thuận tiện hơn, các loa nghe thường nằm trong mũ bảo hiểm, các nút bấm để nói (pust to talk – PTT) được thiết kế trên mũ luôn hoặc nằm nơi ngón tay để việc bấm – nói dễ dàng hơn.

Máy định vị toàn cầu – GPS (Global Positioning System)

Là thiết bị rất cần thiết cho những phi công bay khoảng cách xa. Máy giúp phi công ghi lại bằng các vector đồ họa toàn bộ đường bay nhằm dẫn đường hay ghi lại các điểm nút địa danh (waypoint) mà dù bay qua. Sau khi kết thúc chuyến bay, phi công có thể xem lại đường bay và cả những thông số liên quan đến đường bay đó như tốc độ (tốc độ mặt đất), độ cao, ngày giờ… phi công sẽ rút tỉa được những kinh nghiệm và khả năng của mình. Việc lưu lại bản đồ bay này có thể được thực hiện trên máy tính với nhiều máy GPS khác nhau, Ban Giám khảo của các giải đấu cũng qua đó có thể chấm giải một cách khách quan hơn. Phi công cũng có thể tải vào máy những nơi không được phép bay qua như khu quân sự, khu vực dân cư, nhiều dây điện cao thế hay đánh dấu những nơi được ban giám khảo quy định phải bay qua, hay đường bay yêu cầu đối với những phi công không thông thuộc địa hình mới.

Máy định vị toàn cầu

Khi lên kết với máy tính, các phần mềm hỗ trợ ngày nay giúp phi công thể hiện lại toàn cảnh quá trình bay theo không gian 3 chiều,

Tỉ số lượn

(glide ratio - là độ lượn xa tối đa khi dù ở 1 đơn vị chiều cao) cho dù thông thường là 6:1 (bay xa 6 km nếu bay từ độ cao 1 km), và khoảng 10:1 cho các loại dù lượn cho phi công chuyên nghiệp hay các đấu thủ đẳng cấp cao (trong khi đó diều lượn là 15:1 và tàu lượn là 60:1). Tốc độ tối thiểu có thể mất lực năng (triệt nâng) của dù lượn là 20 km/giờ tốc độ tối đa có thể đạt tới 65km/giờ (tốc độ dòng không khí qua dù).

Vật liệu may cánh dù là những loại vải được sản xuất theo công nghệ cao, không thấm không khí như Porcher, Gelvenor. Dây dù được làm những loại sợi tổng hợp rất chắc như kevlar, aramid.

Để bảo quản dù, sau khi xếp dù thì dù được cột vào đai ngồi rồi cho vào túi. Túi đựng dù được cho vào đai ngồi trong khi bay. Một vài Hãng sản xuất gần đây cho ra đời những sản phẩm là kết hợp đai ngồi và túi dù là một, như vậy chỉ cần lộn đai ngồi thì sẽ có một túi đựng dù.

Dù đôi, được thiết kế để bay hai người, phi công và hành khách. Tuy có diện tích rộng hơn nhưng thiết kế cũng tương tự như dù đơn, lực nâng đủ cho 2 người. Dù đôi bay nhanh hơn dù thông thường một chút nhưng có cấu tạo rất an toàn và rất hiếm khi bị xẹp khi đang bay, tuy nhiên tỷ số góc lượn không cao như dù đơn.